Tác động của Brexit đến ngành gỗ của Việt Nam: Chủ động ứng phó với Brexit

28/07/2016 05:02

 Sự kiện Brexit đã gây chấn động cho toàn thế giới, nó không phải chỉ có tác động đến nước Anh, giữa các nước thành viên thuộc khối EU mà còn tác động đến nhiều nước trên thế giới có mối quan hệ thương mại và chính trị với Anh. 

TÁC ĐỘNG VỀ THƯƠNG MẠI
 Brexít đang tác động trực tiếp đến đồng Bảng Anh, khi giá Bảng xuống thấp mức kỉ lục trong vòng 30 năm. Những tác động ngắn hạn hiện nay có thể kéo dài trở thành trung hạn, thậm chí dài hạn và điều này dẫn đến hệ lụy là những suy thoái kinh tế.
 Theo đánh giá của Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO)1 , Anh có vai trò quan trọng trong khối EU, là một trong 3 quốc gia lớn nhất trong khối, về cả khía cạnh dân số, tổng GDP và đầu tư nước ngoài. Trong khối EU, Anh là quốc gia nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới nhiều nhất. Năm 2015 giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới vào Anh lên tới 960 triệu Euro, chiếm khoảng 25% trong tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới vào toàn khối EU. Con số này vượt xa so với giá trị nhập khẩu vào Pháp, là nước có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 trong khối. Khác với các quốc gia trong khối EU, khi giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới chững lại hoặc giảm, nhập khẩu vào Anh vẫn tiếp tục gia tăng, thể hiện sự phát triển không ngừng của thị trường.
 Với tầm quan trọng của Anh trong khối EU, Brexit sẽ tác động trực tiếp đến mối quan hệ thương mại giữa Anh và các nước thành viên EU, cũng như giữa các nước trong khối EU và các nước khác bên ngoài khối. Cũng theo ITTO, sự mất giá của đồng Bảng Anh, cộng với sự mất giá của thị trường chứng khoán đã làm tụt giảm khoảng 30% về giá trị cổ phiếu của ngành xây dựng nhà tại Anh. Đánh giá của Liên đoàn Thương mại Gỗ của Anh (TFF) cũng cho thấy Brexit sẽ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng nhà, làm tăng khoảng 10-12% chi phí trong xây dựng, và điều này dẫn đến việc dừng thực hiện các dự án xây dựng trong tương lai.2 ITTO đánh giá những thay đổi này sẽ làm giảm sức mua đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới, không phải chỉ riêng ở Anh mà có thể cả trong khối EU.
TÁC ĐỘNG ĐẾN EUTR, FLEGT 
 
Theo đánh giá của các tác giả Canby và Saunders (2016), có khả năng rất lớn là Anh sẽ tiếp tục áp dụng Quy định Gỗ của châu Âu đối với các sản phẩm gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ các quốc gia khác và việc cấm nhập khẩu các sản phẩm gỗ bất hợp pháp sẽ không có gì thay đổi.
 Cũng theo Canby và Sauders (2016), khả năng Anh hoàn toàn rời khỏi EU và không áp dụng Quy định Gỗ của EU (EUTR) là rất nhỏ (Canby và Sauders 2016). Tuy nhiên nếu điều này xảy ra, Anh sẽ phải đưa ra những tiêu chuẩn khác áp dụng cho việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới. Tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra trước năm 2018, khi Anh và EU còn chưa hoàn tất tiến trình và thủ tục Anh rời khỏi EU. Nếu Anh quyết định rời EU và không áp dụng EUTR, trong tương lai (sau khi thủ tục đàm phán dời EU được hoàn tất), Anh sẽ không có tiếng nói trong việc thực hiện và sửa đổi EUTR. Nếu như vậy, họ sẽ phải áp dụng toàn bộ các yêu cầu của EU, bao gồm cả những quy định tương đương với EUTR nếu Anh muốn duy trì tiếp cận thị trường với toàn khối EU như hiện nay.
 Từ trước đến nay, trong khối EU Anh vẫn là quốc gia đi tiên phong trong việc thực hiện EUTR, cũng như trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) với các nước xuất khẩu sản phẩm gỗ nhiệt đới vào EU. Liên đoàn Thương mại Gỗ của Anh (TFF) đã đưa ra nhận định rằng Chính phủ Anh sẽ tiếp tục áp dụng EUTR, bởi đây là quy định dựa trên nguyên tắc giảm rủi ro hiệu quả đối với các sản phẩm gỗ nhiệt đới được nhập khẩu vào nước này. Bên cạnh đó, từ trước đến nay Chính phủ Anh đã có những hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật rất lớn cho một số nước đàm phán FLEGT/ VPA với EU.
 Đánh giá của ITTO cũng cho thấy rằng Brexit có thể dẫn tới việc suy giảm thương mại giữa Anh và các nước EU. Tuy nhiên sự suy giảm này không có liên quan nhiều đến vấn đề về thuế, bởi Anh và các nước thành viên EU đều đã tham gia tổ chức Thương mại Thế giới, theo đó mức thuế được áp dụng đối với các loại hàng hóa được giao dịch giữa Anh và các nước thành viên trong khối EU đã ở mức rất thấp. 
TÁC ĐỘNG CỦA BREXIT TỚI NGHÀNH CHẾ BIẾN GỖ VIỆT NAM 
 Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh. với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong gian đoạn 2013-2015. 
 Sự kiện Brexit gây mất giá đồng Bảng, và giảm sức mua từ Anh và các nước khác trong khối EU nói chung và sự sụt giảm trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam. Nói cách khác, cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam tại Anh chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên đến nay các con số dự đoán được đưa ra về mức độ suy thoái kinh tế của Anh trong thời gian tới vẫn còn chưa thống nhất. Do vậy chúng ta không thể đánh giá được sự sụt giảm đối với các phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh là bao nhiêu.

  Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu vào Anh có thể có những thay đổi. Thay đổi như thế nào phụ thuộc vào kết quả của việc đàm phán giữa Anh và EU. Theo Kerstin và Saunders (2016) ,trong cả 2 kịch bản, gỗ có chứng chỉ FLEGT không mặc nhiên được Anh chấp nhận. Tuy nhiên từ trước đến nay, Anh luôn là nước có vai trò rất tích cực trong đàm phán FLEGT/ VPA với nhiều quốc gia do vậy Anh sẽ không dễ dàng từ bỏ vai trò tích cực của mình. Bên cạnh đó, khung chính sách hiện nay của Anh (độc lập với EU) có liên quan đến mua sắm công đã có cơ chế chấp nhận gỗ có chứng chỉ FLEGT. 
  Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện được được EU áp dụng.
KHÔNG NÊN QUÁ LO LẮNG 
 EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm gỗ. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, ở thời điểm hiện tại đưa ra những phán đoán tác động của việc Anh rời khỏi EU tới xuất khẩu sản phẩm gỗ còn khá sớm. Tuy nhiên, hiện nay mỗi năm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Anh chỉ khoảng hơn 100 triệu USD. Dự kiến, Anh rời khỏi EU sẽ khiến giảm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này, nghĩa là giảm khoảng hơn 50 triệu USD. Vì thế, dù có bị sụt giảm xuất khẩu sang Anh thì cũng không ảnh hưởng quá lớn tới xuất khẩu gỗ nói chung.
 Điểm đáng lưu ý trong “câu chuyện” Anh rời khỏi EU là tỉ giá có thể bị tác động mạnh, bởi đồng bảng Anh giảm giá nên đồng Euro giảm. Hiện nay, giá xuất khẩu gỗ sang thị trường EU khoảng 1.200-1.800 USD/container, (1 container khoảng 28-30 khối). Anh rời EU dự kiến sẽ làm giá xuất khẩu giảm 5-7% so với hiện tại. Đây là con số sụt giảm khá lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. 

GỖ VIỆT số 80
TÔ XUÂN PHÚC
Chuyên gia Phân tích chính sách Forest Trends